Nhắc đến Bình Thuận, ta thường nghĩ ngay đến những bãi biển nắng vàng cát trắng, làn nước gợn sóng lăn tăn, những địa điểm du lịch nổi tiếng say đắm lòng người hay những lễ hội sôi động giàu văn hóa vùng miền. Nhưng không thể không kể đến những món ăn ngon, một nét chấm phá không thể thiếu trong mỗi hành trình khám phá vùng đất mới của chúng ta. Và món ăn hôm nay, dù điểm xuất phát là một món ăn vặt vậy mà giờ đây, nó đã trở thành linh hồn, thành món ăn đặc sản Bình Thuận. Đó chính là những chiếc bánh rế với vị ngọt giòn tan, có thể lôi cuốn bất kì ai thưởng thức nó không ngừng.
Bánh rế xuất xứ tại Phan Rang (Ninh Thuận), sau đó dần được lan rộng khắp ra khắp miền Trung rồi đến phía Nam. Nhưng ngày nay, phổ biến nhất và là đặc sản thì phải kể đến Phan Thiết, Bình Thuận. Nghề làm bánh rế ở Phan Thiết được xem là nghề truyền thống của nhiều hộ gia đình, tập trung chủ yếu ở các khu vực nội thành. Mỗi chiếc bánh rế được ra lò ở các nơi khác nhau nên có mùi vị và độ ngọt khác nhau. Chính điều này đã tạo nên được nét đặc trưng, hương vị rất riêng của vùng đất nơi đây.
Bánh rế Bình Thuận là loại bánh ngọt được làm từ khoai lang và đường nấu chảy tưới lên mặt bánh như cái rế. Nguyên liệu nhìn thô sơ, nơi nào cũng có nhưng nhờ vậy mà nó lại trở nên gần gũi, giản dị và thân thuộc với mỗi người. Không cao sang, cầu kì, chỉ đơn giản với vị ngọt bùi, béo ngậy mà đã làm nên một món ăn thấm đẫm lòng người.
Thoạt đầu, những chiếc bánh rế Phan Thiết trông rất đơn giản nhưng để chế biến thành công thì đòi hỏi người thợ làm ra nó phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn thì mới cho ra lò được bánh rế đúng chuẩn. Khoai lang, khoai mì phải được chọn thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn do 6 thợ đảm nhận các công việc khác nhau mới có thể hoàn thành được một chiếc bánh rế thơm ngon và chất lượng.
Sau khi chọn khoai xong, làm sạch khoai bằng cách ngâm trong nước vài tiếng rồi bảo thành những sợi dài và nhỏ. Tiếp theo, trộn khoai với một ít hương vani để tạo mùi thơm rồi mới mang đi chiên. Chỉ cần bắt chảo dầu lên bếp, chờ dầu sôi rồi cho một giá khoai vào, dùng đũa đảo cho khoai chín vàng và kết đan xem vào nhau là được. Điều đặc biệt là người dân Phan Thiết luôn nấu bánh rế đến khi nào tạo thành hình những chiếc rễ tre quen thuộc thì mới xem như là hoàn thành công đoạn đầu tiên.
Sau đó, làm tan một chảo nước đường trên bếp, nhúng từng chiếc bánh vào nước đường rồi vớt ra, sẽ làm bánh kết dính vào nhau nhiều hơn nhờ đường được khuếch bên ngoài bề mặt. Lưu ý phải làm đều tay thì đường mới thấm vào được từng sợi khoai. Cuối cùng, rắc thêm một ít mè là ta đã có ngay những chiếc bánh mình mong muốn.
Chiếc bánh rế chiên dầu vàng tươi, cắn vào là giòn tan ngay trong miệng, vị thì vừa ngọt vừa béo cùng với đó là hương thơm của mè, khoai lang, khoai mì như được hòa vào nhau khiến vị giác như bùng nổ mỗi khi ăn. Bánh rế rất thích hợp ăn kèm khi uống trà, vị đắng của lá trà sẽ kích thích vị ngọt trong bánh nhiều hơn, khiến bánh trở nên ngon miệng, làm bạn như tan chảy.
Mọi người đến Phan Thiết thì có thể tìm mua được những chiếc bánh rế ở hầu khắp các quán đặc sản, những gánh hàng rong ở các khu du lịch, làng nghề truyền thống, chợ, các trạm dừng chân, v.v.. với giá chỉ vào khoảng 15.000 đến 20.000 đồng một bịch 10 cái. Còn nếu muốn thưởng thức loại bánh rế màu đen sẫm đặc biệt mới lạ, bạn sẽ mất 30.000 đồng cho một bịch.
Các làng nghề truyền thống mà bạn có thể ghé thăm quan như ở phường Lạc Đạo, Đức Thắng, Phú Tài hay Đức Nghĩa. Đảm bảo bạn sẽ có một chuyến đi ý nghĩa, khi vừa được tìm hiểu công đoạn làm ra bánh rế và vừa được mua tại nơi làm ra những chiếc bánh có hương vị chính gốc nhất.
0 Nhận xét